Động Hương Tích – Chùa Trong
Nằm ở vị trí cao nhất so với các chùa khác trong khu vực (giống như chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên tử trong quần thể danh thắng Trúc Lâm – Yên Tử),từ cửa động qua hơn trăm bậc đá dẫn xuống, vào lòng động Hương Tích, gọi là chùa Trong.
Chùa là một hang đá hình con ong khổng lồ đầu là cửa hang, giữa thắt lại rồi vào trong lại phình to hơn. Trong hang có nhiều nhũ đá, măng đá và cột đá. Một số trong đó được gọi với những cái tên: Đụn Gạo, Cây Vàng, Cây Bạc, Máng Lợn, Nong Kén, Đầu Cậu, Đầu Cô… trên vách động có bút tích của Tĩnh vương Trịnh Sâm : “Nam Thiên đệ nhất động” (động Phật đứng hàng thứ nhất trời Nam) khắc trên đá.
Trong động có thờ tượng Bà Chúa Ba, một hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát . Xuất thân của Quan Thế Âm Bồ tát theo truyền thuyết tại đây kể rằng: Nước Hưng Lâm xưa có nàng công chúa thứ ba tên là Diệu Thiện con của Diệu Trang Vương. Năm ấy đến tuổi cập kê đã không vâng lời sắp đặt kén phò mã của Vua Cha mà Nàng quyết chí đi tu. Sau nhiều lần khuyên can nhưng không thể lay chuyển ý chí sắt son một lòng một dạ của Diệu Thiện với cửa thiền, nhà Vua nổi giận bắt giam bỏ đói công chúa trong vườn Thượng Uyển. Kỳ lạ thay, chim muông đã mang đồ ăn về cho Công chúa. ĐẾn một ngày, nhà Vua đi ngang vườn Thượng Uyển, lại nghe tiếng mõ tụng kinh. Lấy làm lạ, Vua sai người vào vườn tìm hiểu thực hư. Vào đến nơi, giai nhân nhìn thấy Công chúa ngồi tụng kinh, còn chim Gõ Kiến gõ vào cây làm mõ. Biết vậy Vua cha càng giận dữ, ông bèn sai người đưa Công chúa vào chùa Bạch Tước, bắt làm việc khổ sai suốt ngày đêm, lệnh cho sư sãi trong chùa không ai được gần gũi giúp đỡ. Với ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm hướng Phật, Công chúa vượt qua trăm sự khó khăn, vừa làm vừa tụng kinh, trau dồi Phật pháp. Những chuyện này được đám nịnh thần ton hót tới tai Vua. Nhà Vua tức giận sai quân đuổi hết sư sãi ra khỏi chùa và đích thân phóng hỏa đốt chùa. Công chúa lúc này đã can gián nhà Vua:
“.. Kẻo e nghiệp chướng đã nhiều
Chẳng tai bẻ khổ cùng nghèo sông mê..”
Vua nghe nổi giận lôi đình sai quân bắt giam Công chúa vào Lãnh cung chờ ngày xử trảm. Tới ngày hành hình, tự nhiên Công chúa ngủ rất say, bao người lay không dậy. Mặc dù vậy, Vua vẫn lệnh nhốt vào cũi đưa ra pháp trường hành hình. Thấy vậy, Phật Tổ Như Lai bèn hô phong hoán vũ, làm trời đất quay cuồng và cử thần núi Hương Tích biến thành mãnh hổ xông ra phá cũi đưa Công chúa vào rừng. Bấm đốt ngón tay, tính ra thấy vẫn chưa đủ kiếp nạn, Phật Tổ Như Lai bèn cho Diêm Vương lên đón Công chúa xuống thăm mười tám tầng địa ngục. Bình sinh là người nhân hậu, nhìn thấy cảnh quỷ sứ hành hình tội nhân như tắm vạc dầu sôi, uống chì nung đỏ, lột da, bẻ răng … Công chúa động lòng trắc ẩn cất tiếng than rằng:
“… Lòng trần tưởng chẳng chi nao .
Ai hay quả báo khi vào âm ti …”
Rồi Công chúa chỉ ước ao :
“.. Ước gì tù ngục vắng không …
Dương gian trần thế không còn ác nhơn…”
Sau đó Công chúa cầu xin Diêm Vương đại xá cho tất cả các tội nhân ở 18 cửa địa ngục đang bị giam cầm, khảo tra, hành quyết. Cảm kích trước tấm lòng nhân hậu, phổ độ chúng sinh, Diêm Vương đã bằng lòng:
“… Khắp mười tám cửa ngục hình
Một giờ đại xá siêu sinh tội đồ ..”
Sau đó Diêm Vương lại đưa Công chúa về dương thế.
Công chúa tỉnh dậy thấy một mình ở giữa nơi non xanh nước biếc, suối chảy rì rào, chim muông ríu rít. Phong cảnh thật lãng mạn hữu tình. Đang lúc ngỡ ngàng lâng lâng cảm xúc thì thấy một chàng trai tuấn tú, miệng tươi như hoa, mắt sáng như sao đi đến chào hỏi làm quen và tỏ tình. Công chúa đã kiên quyết từ chối tình cảm của chàng trai. Biết được lòng dạ sắt son kiên định của Công chúa, chàng trai – chính là Đức Phật Tổ Như Lai hóa thân để thử lòng – đã trao cho Công chúa một quả đào làm lương thực ăn đường và chỉ cho Công chúa đường tới động Hương Tích để tiếp tục tu hành. Trước khi vào động Hương tích nhập thiền, Công chúa đã dừng chân, tắm gột bụi trần tại giếng Thanh trì – Nơi đây sau này là chùa Giải Oan. Sau chín năm tu hành khổ hạnh, Công chúa đã đắc đạo trở thành Chính Quả.
Nghe tin Vua cha bị ốm, đất nước Hương Lâm gặp đại dịch, Công chúa vội trở về chữa bệnh cho Vua cha và chúng sinh. Để luyện được thuốc đặc trị chữa bạo bệnh cho mọi người, Nàng đã chặt tay, khoét mắt mình làm dược liệu bào chế thuốc. Nhờ đó đất nước Hưng Lâm thoát khỏi đại dịch. Trước sự hi sinh lớn lao không mảy may suy tính của Công chúa, Vua cha đã tỉnh ngộ từ đó bỏ tà tâm ác nghiệp, bỏ tham lam quyền lực, tâm hoàn lương thiện.
Cũng từ đức hi sinh đó, Công chúa được Ngọc Hoàng Thượng Đế sắc phong là: Đại từ, Đại bi, Cứu khổ, Cứu nạn, Nam Mô Linh Cảm Quan Thế Âm Bồ tát. Rồi ban tặng tòa báu hoa sen, trao phó vĩnh viễn làm chủ đạo tràng núi Phổ Đà biển Nam Hải.
Lại nói về mãnh hổ cứu Công chúa (Thần núi Hương Tích) đã được người dân ghi nhận công lao và lập đền thờ. Đền thờ Thần Hổ xưa vẫn còn, chính là đền Trình ngày nay thờ Sơn Thần.
Du khách thập phương cũng như khách du lịch theo tour lễ hội chùa Hương khi trẩy hội đều viếng thăm đền Trình viết sớ khai báo với Sơn Thần về chuyến hành hương của mình đến đất của Ngài, xin được phù hộ độ trì mạnh khỏe may mắn đắc tài đắc lộc.