Lễ hội chùa Hương - Những điều chưa biết (Phần 1)

Chùa Thiên Trù – Chùa Ngoài

Du khách thập phương đã từng tham gia tour Chùa Hương để tham dự Lễ hội Chùa Hương nhiều năm, nhưng chưa chắc đã biết rằng: Hầu hết quần thể danh thắng Hương Sơn với hơn 100 ngôi chùa (trong đó có cả chùa trong hang động) đều hình thành vào thời Hậu Lê. Chùa có quy mô lớn, nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Thiên Trù. Chùa Thiên Trù còn có tên gọi là chùa Ngoài, tọa lạc trên thềm núi Lão, gần bến Trò bên dòng suối Yến. Chùa Thiên Trù được xây dựng vào năm 1686 và ngôi chùa được trùng tu nhiều lần vào những thế kỷ sau. Lúc này Chùa Thiên Trù ví như là biệt thự tráng lệ giữa núi rừng Hương Sơn. Được mệnh danh “Biệt chiếm nhất nam thiên”.


Bảo thềm thứ nhất - Ảnh nguồn internet

Để tới chùa Thiên Trù nói riêng và quần thể danh thắng Hương Sơn nói chung , du khách phải đi đò hoặc thuyền trên suối Yến từ bến Đục chừng hơn 3km. Đây là con đường độc đạo để khám phá danh thắng “Nam thiên đệ nhất động” – Cái tên được Tĩnh vương Trịnh Sâm đặt cho chùa động Hương Tích. 


Đi thuyền suối Yến - Ảnh nguồn internet

Trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây là một trong những căn cứ địa của Cách mạng. Quân đội Pháp đã ném bom khu vực này những năm 1947, 1948 và 1950 làm ngôi chùa bị tàn phá. Di tích xưa nay chỉ còn lại tháp Thiên Thủy, tháp Viên Công - một công trình nghệ thuật đất nung thế kỷ XVII và bia đá.

Cho mãi tới năm 1985, chùa mới xây được gác chuông 8 mái ở sân Thiên Trù. Bốn năm sau, năm 1989, Thượng tọa Thích Viên Thành khởi xướng, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như Phật tử bốn phương ủng hộ, đã thành lập và cùng Ban xây dựng chùa Hương thực hiện đề án quy hoạch và tôn tạo toàn vùng, đã xây dựng chùa Thiên Trù ngày nay trên nền móng chùa cũ.


Ảnh nguồn internet 

Kiểu kiến trúc của chùa Thiên Trù có tên là “Ngũ môn tam cấp” - tức năm cửa ba bậc. Qua cổng là đến sân. Hai bên sân là hai dãy nhà làm nơi ăn nghỉ cho du khách trong ngày hội.

Qua sân là đến bảo thềm thứ nhất – đây cũng là một cái sân. Trước bảo thềm này có đặt một đỉnh đồng cao 3m dùng để khói nhang. Qua sân bảo thềm thứ nhất là đến bảo thềm thứ hai – là một cái sân cao hơn. Tiến đến sân bảo thềm thứ ba cao hơn một chút, qua hai cửa tam quan nối vào Tam Bảo chính là nơi thờ Phật.

Hai bên Tam Quan là gác trống bên trái và gác chuông bên phải. Hai bên Tam Bảo là hai bể nước, các buồng sư, buồng cung văn, nhà dấu, nhà oản,…


Ảnh nguồn internet

Phía sau Tam Bảo là điện Thánh Mẫu bên trái, gác tàng thư, nhà Tổ ở giữa và Thiên Thuỷ tháp bên phải.

Thượng tọa Thích Viên Thành viên tịch năm 2002, là vị trụ trì đời thứ 11 của Sơn môn Hương Tích đã nhập bảo tháp Chân Tịnh, một tháp đá xanh cấu trúc ba tầng mái cao 8,5m, được chế tác từ 53 phiến đá ở núi Nhồi, Thanh Hóa do một nhóm nghệ nhân ở Hoa Lư, Ninh Bình thực hiện năm 2003. 
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Thượng tọa Thích Viên Thành, Phật tử thập phương cũng như du khách khi đi tour Lễ Hội chùa Hương đều thành kính hương khói trước bảo tháp Chân Tịnh tại chùa Thiên Trù.

Ngoài chùa Thiên Trù, đi theo lối này, chúng ta có thể đến tham quan nhiều chùa - động khác ở Hương Sơn, như động Hinh Bồng, động Đại Binh, chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng, động Hương Tích.

Qua bài này, chúng ta được biết Thiên Trù là chùa Ngoài. Có chùa Ngoài thì phải có chùa Trong. Vậy chùa Trong ở đâu? Hãy click vào đây để được biết thêm chi tiết.