Thạch Động Thôn Vân ở Hà Tiên

Thạch Động Thôn Vân

Thạch Động Thôn Vân còn được gọi là Vân Sơn thuộc địa phận xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Là một khối đá vôi Pecmi sót khổng lồ, đứng sừng sững với độ cao khoảng 90m so với mực nước biển và đường kính chân chỉ khoảng 45m.

Gọi là Thạch Động Thôn Vân bởi vì mỗi buổi sáng sớm những đám mấy trắng là là bay qua đỉnh núi thì bị giữ lại trước cửa động rồi từ từ bay vào tựa như hàng động đang nuốt mây. Nằm bên Quốc lộ 80, cách thị xã Hà Tiên khoảng 3.5 km, trên đường từ Hà Tiên đi cửa khẩu Xà Xía, ngọn núi nhỏ này có hình chiếc mũ lông di sản địa chất đầu tiên cần nói đến là hệ thống hang động kỳ ảo trong lòng ngọn tháp đá với nhiều thạch nhũ có hình thù lạ mắt.

Đây cũng chính là nơi phát tích Thạch Sanh giết đại bàng để cứu công chúa Quỳnh Nga trong truyện cổ tích Thạch Sanh xưa. Trong truyện, hang đại bàng chính là Thạch Động ngày nay. Hang có một nhánh ăn sâu xuống lòng đất và thông ra biển, nơi Thạch Sanh men theo lối nhỏ để xuống gặp vua Thủy Tề nhưng về sau để đảm bảo an toàn cho du khách nên đã được che kín lại. Phía trên hang cũng có một đường thông thiên, nơi mà Thạch Sanh thả dây xuống để cứu công chúa.

Men theo những bậc thang nhỏ lên tầng có thể nhìn ra bên ngoài hang, du khách sẽ gặp một khối thạch nhũ hình đầu con đại bàng khổng lồ đang quặp một cô gái. 

Du khách muốn lên đến cửa động phải vượt qua 50 bậc thang từ dưới chân núi. Đứng ở đây, du khách sẽ nhìn thấy được các phum sóc của người dân Campucchia ẩn hiện dưới chân đồi và cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh thị xã Hà Tiên thơ mộng thu nhỏ và xa xa là vịnh Thái lan nhấp nhô những hòn đảo cùng ghe thuyền chấm phá trên màu xanh của biển cả.

Thạch Động cũng là nơi tọa lạc của chùa Tiên Sơn được dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 41 xây dựng năm 1790 rơi vào khoảng thời gian Mạc Thiên Tích làm Tổng trấn xứ Hà Tiên. Các tư liệu sử cũ cho biết trước khi có chùa, thạch động là một am tu hành của đạo sĩ Huỳnh Phong Chân Nhân về sau tu theo đạo Phật nên đổi hiều là Huỳnh Phong Hòa Thượng dưới thời Mạc Cửu thân sinh của Mạc Thiên Tích. Đến năm 2003, chánh điện được tu sửa và nền được lát lại thành đá hoa cương, thờ Phật Thích Ca và Bồ Tát Quan Thế Âm.

Thạch Động có hai cửa chính hướng về hai phía. Một cửa về phía thị xã Hà Tiên, một cửa hướng ra cánh đồng Mỹ ĐứcĐá vôi ở Thạch Động được các nhà địa chất xác định hình thành vào kỷ Permi, khoảng 250 triệu năm trước. Loại đá vôi này phổ biến ở các vùng ven biển huyện Kiên Lương và lan sang cả các vùng phía Tây Nam Campuchia và nam Thái Lan, về phía Tây Nam đứt gãy của Sông Hậu (miền Tây Nam Bộ và tây nam Campuchia) đã dịch trượt tương đối về phía đông nam chừng 300 km.

Quá trình dịch trượt này được gây ra do sức ép của Tiểu lục địa Ấn Độ (cũng có nguồn gốc Châu Úc) khi“ trôi” về phía Bắc để hình thành Ấn Độ Dương. Điều đó có nghĩa là nếu ta dịch chuyển miền Tây Nam Bộ theo đứt gãy Sông Hậu ngược về phía tây bắc chừng 300 km thì có thể thấy các loại đá của miền Tây Nam Bộ ghép nối hoàn hảo với miền Xiêm Riệp của Campuchia và dãy Dangrek giáp cao nguyên Khorạt của Thai Lan nằm ở phần đông bắc đứt gãy này. Như vậy đá vôi Thạch động là chứng nhân lịch sử về cuộc thiên di vĩ đại của một vùng đất trôi dạt từ Châu Úc lên và sau đó dịch trượt một quãng đường dài về phía đông nam theo đứt gãy sông Hậu.

Du khách đến với du lịch Hà Tiên – Kiên Giang sẽ không thể nào bỏ lỡ những địa điểm nổi bật gắn với những câu chuyện kể thú vị từ xa xưa này. Vừa được ngắm những cảnh đẹp của núi non hùng vĩ vừa được nghe những câu chuyện cổ từ thời những Chúa Nguyễn càng làm tăng thêm thi vị cho chuyến du lịch, chắc chắn sẽ làm cho du khách hài lòng với chuyến đi của mình.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *