Lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc – An Giang
Lăng Thoại Ngọc Hầu là một công trình kiến trúc duy nhất còn nguyên vẹn từ thời nhà Nguyễn cho đến ngày nay. Đây là một di tích lịch sử rất có giá trị đối với vùng Châu Đốc – An Giang nói riêng và cả nước nói chung.
Sơn Lăng là một tên gọi khác của lăng Thoại Ngọc Hầu, được Thoại Ngọc Hầu chọn làm nơi để yên nghỉ cuối cùng của mình. Lăng được đặt nằm ở dưới chân núi Sam, kế bên quốc lộ 91 ngày nay thuộc xã Vĩnh Tế, Thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Thoại Ngọc Hầu có tên thật là Nguyễn văn Thoại – một vị tướng nổi tiếng ở triều Nguyễn được triều đình cử đi khai phá và trấn giữ vùng đất An Giang. Ông sinh 25/11/1761 tại Diên Phước, tỉnh Quảng nam và được phong tước Ngọc Hầu. Ông mất ngày 06/06/1829 hưởng thọ 68 tuổi.
Công trình này được khởi dựng vào năm nào vẫn còn chưa rõ, chỉ biết rằng khi vợ thứ của ông là bà Trương Thị Miệt mất vào tháng 07 năm Tân Tỵ, 1821, ông đã cho người an táng bà tại đây. Đến tháng 10 năm Bính Tuất, 1826 vợ chính thức cảu ông là bà Châu Thị Tế mất và cũng được ông đem an táng tại đây và dành sẵn cho mình một một phần nằm giữa khu mộ của hai người vợ. Có thể nói Sơn Lăng được Thoại Ngọc Hầu cho xây dựng vào trước khi ông qua đời những vẫn còn chưa rõ đã cơ bản hoàn thành hay chỉ mới xây dựng một phần.
Nói đến vùng đất An Giang, hẳn du khách đã nghe đến các công trình tiêu biểu gắn với một thời khẩn hoang, lập làng bảo vệ biên cương Tổ quốc của ông Thoại Ngọc Hầu. Ông là người có công khởi công xây dựng các công trình như: lộ núi Sam – Châu Đốc dài 5km được đắp từ năm 1826 – 1827, kênh Thoại hà dài 30 km tại núi Sập được đào năm 1818 và người dân ở đây gọi núi Sập là Thoại Sơn để ghi nhớ công lao Thoại Ngọc Hầu.
Đến với du lịch Châu Đốc – An Giang nổi tiếng với vùng Thất Sơn huyền thoại, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc tương đối qui mô là kênh Vĩnh Tế được xây dựng từ năm 1819 – 1824 với chiều dài hơn 90 km và số công nhân lên đến 80.000 người, nối Châu Đốc đến Hà Tiên rồi chảy ra vịnh Thái Lan. Để ghi nhận công đức của người vợ đắc lực của ông là bà Châu Thị Tế, vua Minh mạng đã đặt tên cho con kênh là Vĩnh Tế Hà và núi Sam được đổi thành Vĩnh Tế Sơn. Để đánh dấu những công trình này, Thoại Ngọc Hầu cho dựng bia làm kỉ niệm. Đồng thời trước ngày dựng bia, ông cho nhiều toán người đi dọc hai bên bờ kênh từ Châu Đốc đến Hà Tiên tìm hài cốt những dân binh tử nạn mang về cải táng hai bên tả và hữu ở khuôn lăng.
Sơn Lăng là một khuôn viên rộng và bằng phẳng, có hai tiểu đình so người đời sau xây dựng: một đình dùng để chứa tấm bia Thoại Sơn bằng đá cẩm thạch trắng và đình còn lại để ngựa và người lính hầu.
Ở đây mọi thứ đều luôn được người dân chăm sóc tỉ mỉ từng nhánh cây ngọn cỏ, quãng sân rộng lúc nào cũng quang đãng sạch sẽ với một vè đẹp chỉnh chu hiếm thấy để thể hiện lòng biết ơn của người dân Châu Đốc đối với ông.
Tiếp đến là vòng thành và hai cổng vào lăng hình bán nguyệt được đúc dày, nên trông rất vững vàng. Ở cổng ra vào có một điểm đặc biệt mà du khách đến đây thường hay bỏ qua chính là năm tấm bia đá do người sau qui tập về và gắn chặt vào tường thành.
Bia nằm ở chính giữa có thể là bia Vĩnh Tế Sơn được dựng lên từ năm 1828 sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế. Bia được làm bằng đá sa thạch, cao hơn đầu người và trên đó được khắc 730 chữ Hán. Do bị để ngoài trời, không người chăm sóc, nên mặt đá đã bị rạn nứt theo thời gian cũng bị bào mòn nên chữ đã không còn đọc được. Bốn tấm bia còn lại cũng bị nhẵn nhụi nên không rõ nguồn gốc ra sao
.
Qua khỏi cổng là phần lăng mộ của Thoại Ngọc Hầu cùng hai người phu nhân. Mộ ông Thoại Ngọc Hầu nằm giữa, hai bên là mộ bà chính thất Châu Thị tế và mộ bà thứ thất Trương Thị Miệt được xây lùi lại một chút để tỏ sự kính nhường. Tất cả đều được xây bằng hồ ô dước vì thời xưa chưa có xi măng. Phía đầu ngôi mộ là bình phong có đắp chi chít các chữ Hán, phía chân đều có bi ký.
Ra khỏi vuông lăng, men theo chín bật thang đá ong đầy uy nghiêm là đền thờ ông Thoại. Đền được xây dựng lưng tựa vào núi Sam tạo cho ngôi đền có dáng vô cùng uy nghi, cổ kính và được dựng lên về sau này.
Phía trong đền trang trí vô cùng tinh xảo, giữa đền là tượng bán thân của Thoại Ngọc Hầu cao 2m với đủ cân đai áo mão như lúc đương triều, mắt dõi ra kênh Vĩnh Tế, tạo một không khí hết sức trang nghiêm.
Trong đền còn có vô số những bảo vật có giá trị như các bức hoành phi, liễn đối, văn bia, văn tế, những áng văn thơ hùng tráng, ca ngợi công đức những bậc tiền nhân, gợi lên những năm tháng ông cha ta đi khai hoang mở mang bờ cõi.
Nơi nội lăng và hai bên trái phải vuông lăng có hai khu đất rộng, cũng có vòng thành ngăn chắn xung quanh dày cả mét. Ở đây có trên 50 ngôi mộ xây dựng bằng hồ ô dước, có mộ xây hình voi phục, có mộ xây hình bầu dài hoặc vuông vắn,… Những ngôi mộ này đa số đều vô danh là những hài cốt của những người đã bỏ mình trong lúc đào kênh Vĩnh tế được ông Thoại cho qui tập về.