Trại Phú Bình – Chuồng cọp kiểu Mỹ
Chuồng cọp kiểu Mỹ còn được gọi là trại Phú Bình, ban đầu có tên là Trại VII được Mỹ Ngụy xây dựng thêm năm 1971 để phục vụ cho việc giam giữ và tra tấn tinh thần những người tù là hệ thống phòng giam thuộc nhà tù Côn Đảo. Cái tên gọi “chuồng cọp kiểu Mỹ” hình thành do đây là trại giam điển hình kiểu Mỹ, do chuyên gia Mỹ thiết kế, thầu Mỹ xây dựng (hãng thầu RMK) bằng đô la mỹ viện trợ.
Trại Phú Bình có tổng diện tích 25.768 m2 bao gồm 384 xà lim được chia thành 8 khu AB, CD, EF, GH.
Mỗi khu có 48 xà lim biệt lập, cách nhau bằng một bức tường cao. Đây là trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng của nhà ngục này. Không cần đến đòn roi, Mỹ Ngụy dùng cả yếu tố bất của thiên nhiên vào việc đầy ải con người và có lối hành hạ người rất tinh vi, để họ chết dần chết mòn. Phía trên các xà lim là chấn song sắt hàn dính liền vào nhau và chôn hẳn vào tường và không có hành lang bên trên mà thay vào đó là một lơp tôn thấp nên khi nắng gắt thì bên trong nóng như cực hình như thiêu như đốt.
Tù nhân phải nằm dưới nền, phải chịu đựng không khí ẩm ướt, khí đất xông lên khi về đêm vì không có bệ. Người tù phải đi vệ sinh vào thùng gỗ, mỗi khi tù nhân nổi dậy đấu tranh thì chúng ra lệnh không cho đổ thùng vệ sinh, ba hoặc bốn ngày có khi kéo dài hàng tuần lễ hoặc lâu hơn nữa…Phân và nước tiểu bê bết trên người của 8 đến 10 tù nhân trong một phòng giam biệt lập khoảng 5m2. Khi đó nhà giam biến thành nhà cầu. Sống trong cảnh ấy ngày này qua ngày qua ngày khác thì chẳng khác nào trong địa ngục.
Chưa kể có những ngày nóng bức, nắng như thiêu như đốt với mùi ô uế xông lên, mấy tên trật tự mở cửa sắt để kiểm tra rồi đóng thật mạnh, tiếng kêu dôi lên tai nhức óc không chỉ vậy chúng lần lượt kiểm tra 48 phòng giam trong một dãy, và liên tiếp 8 dãy với 384 lần dội vào đầu, lồng ngực của tù nhân. Bên ngoài là trạm xá, bếp, kho, khu nhà ở của đội Trật tự và Văn phòng của Trưởng trại.
Ngày 29/4/1975 khi hay tin Sài Gòn giải phóng, chúa đảo cùng cố vấn Mỹ và các tên cai ngục đã nhanh chống chạy thoát bằng trực thăng, cano để đến chiến hạm của Mỹ đã chờ sẵn ngoài biển. Bên ngoài là sự hỗn loạn của của tiếng trực thăng, tiếng tháo chạy, tiếng la í ới. Trong khi đó, bên trong các phòng giam, tù nhân không hề hay biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ bằng những cảm tính của mình, tất cả đều nghĩ rằng các tên cai ngục đang chuẩn bị triển khai một cuộc tra tấn, đàn áp mới. Cho đến giữa đêm ngày 30/4/1975 tại khu H của trại VII – nơi giam giữ những người tù lãnh đạo, Giám thị cùng với linh mục Phạm Gia Thụy và Đại úy Kiều Văn Dậu đến báo tình hình bên ngoài Côn Đảo. họ mời các đồng chí anh em cùng bàn bạc cách giải quyết tình hình và cảnh giác thủ đoạn của địch nhưng họ hoàn toàn không tin. Để có cơ sở chính xác, Kiều văn Dậu và giám thị Nguyễn Văn Trương mang chiếc radio đến trao cho những người tù để họ nghe tin tức chính xác nhất. Sau khi nghe và biết chính xác tình hình, những người tù chính trị đã bắt lấy thời cơ và giải phóng lúc 1 giờ sáng ngày 1/5/1975. Đến 8 giờ sáng ngày 1/5/1975 tù chính trị đã hoàn toàn làm chủ Côn Đảo chấm dứt 113 năm cảnh “địa ngục trần gian”.