Chùa Vàng Chùa Bạc ở Campuchia

Chùa Vàng Chùa Bạc

Chùa Vàng Chùa Bạc là một ngôi chùa nổi tiếng ở Campuchia, còn được gọi là Chùa Phật Ngọc Lục Bảo và trong tiếng Campuchia thì chùa có tên là Wat Preah Keo Morakat. Sở dĩ được gọi là Chùa Vàng – Chùa Bạc vì chùa có đến 5329 miếng bạc lát trên nền nhà, mỗi miếng bạc đều được làm thủ công và có trọng lượng 1,125kg. Nằm trong quần thể kiến trúc cung điện Hoàng gia Campuchia, Chùa vàng chùa bạc nằm về phía trái hoàng cung, là một ngôi chùa đẹp và nổi tiếng nhất Campuchia không chỉ về mặt kiến trúc mà còn cả về nghệ thuật. Do đây là nơi nhà vua nước này dùng để tổ chức các nghi lễ Phật giáo nên chùa không có nhà sư trụ trì.

Trước đây chùa có tên là Wat Uborsoth Rothannaream, được xây dựng bằng gỗ vào năm 1892 dưới thời vua Preah Norodom. Năm 1902, chùa được tháo dở để xây dựng mới bằng gỗ và gạch, được khánh thành vào ngày 05/02/1903 cũng dưới triều vua Norodom. Đến năm 1962, thái hậu Kossomak Nearyreath nhận thấy chùa có nhiều hư hại nên đã đề nghị vua Sihanouk xây cất lại bằng vật liệu kiên cố. Chùa mới được trùng tù bằng xi măng, các cột được ốp đá Italia và nền chùa lát bằng 5329 tấm bạc được làm thủ công theo khổ gạch lát nền 20 x 20 cm, mỗi tấm có trọng lượng 1,125kg. Tên Wat Preah Keo Morakat có thể được đặt từ lần trùng tu này, lấy từ Keomorakat là tên một Phật tử ở một ngôi chùa khác, đã hằng tâm tạc tượng Phật đá quý.

Chùa có chức năng văn hóa và lưu giữ bảo tồn tôn giáo hơn là chức năng thờ cúng, chứa đựng hơn 1650 báu vật có giá trị đều là vàng bạc, đồng hay vật liệu có giá trị do vua, hoàng hậu, các quý tộc hay hoàng gia và những người khác đến dự những buổi cầu nguyện tại chùa, dâng cúng để cầu cho hòa bình, hưng thịnh và hạnh phúc cho các thế hệ tương lai… 

Nội điện không có cột, ngay giữa điện là ngôi tháp chính – nơi đặt bức tương Phật Ngọc Lục Bảo. Phía trước tượng Phật ngọc là tượng Đức Phật Di Lặc được đúc bằng vàng rồng vào năm 1906 với khối lượng lên đến 90kg vàng, cùng với khoange 2086 viên kim cương 20 carat. Chùa còn thờ cùng bức tượng Đức Phật Xá Lị trong một ngọn tháp nhỏ được làm bằng vàng và bạc. Phía sau các tượng Phật có đặt một ngai vàng. Ghế có các thanh dọc để 8 đến 12 người khiêng, đức vua là người được ngồi trên đó và diễu hành trong ngày đăng quang. Ở Campuchia, ghế ngồi của vua  hay được phủ vàng, phần làm bằng vàng của ghế nặng khoảng 23kg.


Khuôn viên sân phía trước chùa là bức tượng Đức Vua Norodom đang cưỡi ngựa. Đây là tác phẩm được các nghệ nhân Pháp tạc năm 1875 tại Paris do vua Napoleon III tặng và được đặt trong khuôn viên chùa từ năm 1892. Bên trái là hai tháp thờ cúng tro cốt của Vua Norodom và Vua Ang Dương, đều được xây dựng bằng xi măng trắng.
Phía sau chính điện là hai tháp mộ của vua Norodom Suramarit và hoàng hậu Kossomak Nearireath được xây dựng năm 1955 – 1960, là thân phụ và thân mẫu của vua Sihanouk và là ông, bà nội của quốc vương Sihamoni hiện nay. Bên hông chính điện còn có tháp mộ của công chúa Kantha Bopha (con gái của vua Sihanouk, mất năm 1952 khi mới 4 tuổi do bệnh bạch hầu),được xây dựng năm 1960.

Bao quanh chùa là bốn bức tường xây quanh đều có mái che dùng để trưng bày những bức tranh về sử thi Reamker. Mỗi bức có thể dài đến 642m và cao khoảng 3m. Một số phần của bức tranh tường này đã bị hư hỏng nặng do thời tiết, phía khu vực cho du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng cũng đẫ không còn trọn vẹn. Những bức vẽ này được vẽ vào năm 1903 – 1904 do một nhóm sinh viên dưới sự chỉ đạo trực tiếp của họa sĩ Vichitre Chea và kiến trúc sư Oknha Tep Nimit Thneak. 

Chùa còn có ngôi nhà chứa dấu chân của bốn vị Phật và Phật Di Lặc. Ngay sau chùa là mô hình Angkor Wat, di tích của nền văn minh, văn hóa chịu ảnh hưởng đạo Phật của dân tộc Khmer. Tháp chuông của chùa đặt ở một góc phía sau, chuông được đánh lên khi đóng hoặc mở cửa chùa hay trong các buổi lễ.

Du khách vào tham quan chùa phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc áo thun quần đùi, không chụp ảnh, quay phim,…
Đến với Chùa Vàng – Chùa Bạc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc truyền thống của đất nước Campuchia thật sinh động qua lối thể hiện kiến trúc chùa tháp tiêu biểu của đất nước này. 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *