Chùa Đồng – Kỳ quan mới trên đỉnh thiêng Yên Tử

Chùa Đồng nằm ở đâu?

Nằm trong quần thể danh thắng Trúc Lâm Yên Tử, chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn có độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Đỉnh Yên Sơn với địa hình tự nhiên hiểm trở và rất đặt biệt. Phía tây bắc của đỉnh núi là vách đá dựng đứng sâu hơn 200m – Vách đá này là ranh giới giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Chùa Đồng nằm trên địa phận thuộc tỉnh Quảng Ninh, triền núi thoải dần về phía  đông nam. Ở độ cao này cùng vị trí đắc địa hội tụ linh khí của vùng núi thiêng Yên Tử, đỉnh Yên Sơn luôn có gió cuộn mây vờn. Vì thế nó còn có 1 cái tên khá mỹ miều là “Bạch Vân Sơn”.

Đỉnh thiêng gió cuộn mây vờn

Ngôi chùa trong mây

Vách đá đỉnh Yên Sơn nhìn theo hướng từ Bắc Giang
 
Chùa Đồng Yên tử ngày nay mang trong mình những kỷ lục mà không phải ai cũng biết. 
  • Ngôi chùa độc đáo nhất thế giới.
  • Ngôi chùa bằng đồng trên núi lớn nhất Châu Á.
  • Ngôi chùa có vị trí cao nhất Việt Nam.
  • Ngôi chùa được dân gian ví như một “kỳ quan mới”.

Chùa Đồng có từ bao giờ?

Chùa Đồng thủa nguyên sơ, sử sách có ghi chép lại rằng: thời kỳ hậu Lê (thế kỷ XVII) chùa được một Quý Phi của chúa Trịnh cho người xây dựng trên một tảng đá vuông cao hơn đầu người nằm trên đỉnh Yên Sơn. Ngôi chùa được làm hoàn toàn bằng đồng lá, do những người thợ gò khéo léo của hoàng cung hoàn thiện. Ngôi chùa khá nhỏ, không chứa nổi một người ngồi.
Theo sử liệu, vào năm Canh Thân (1740),một trận bão lớn đã bóc đi phần mái chùa. Do địa hình hiểm trở, việc sửa chữa không thực hiện được cả một thời gian dài, chùa trở thành phế tích. Từ đó những phần còn lại cũng bị người đời dỡ đi, chỉ còn lại dấu tích các hố cột được chôn trên tảng đá.
Đến  năm 1930, ngôi chùa mới được dựng lại bằng bê tông cốt đồng trên nền đá cũ do bà Bùi Thị Mỹ – thủ tự chùa Long Hoa phát tâm xây dựng. Kích thước công trình tương đương ngôi chùa đồng cũ.
Giai đoạn sau đó, vì tín ngưỡng đã trở thành một điều không thể thiếu trong cuộc sống của con người, đã có nhiều người quan tâm đến việc tu bổ và xây dựng lại các di tích có giá trị tinh thần cao, chính vì vậy vào năm 1993, hội phật Tử ở hải ngoại do ông Nguyễn Nam Sơn đứng đầu đã phát tâm giúp tái tạo lại chùa Đồng. Chùa được đúc theo hình chữ Đinh tọa trên sập bằng đồng chân quỳ dạ cá, kiểu dáng của chùa được cách điệu theo hình cánh sen đang nở. Chùa bằng đồng mới này được đặt ngay cạnh ngôi chùa cũ. Lúc đó đỉnh Yên Sơn có 2 ngôi chùa.

2 ngôi chùa tồn tại trong giai đoạn 1993 – 2006
 
Đến năm 2006, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành dự án quy hoạch 2 chùa vào làm một để người dân không còn phải thắp hương 2 chùa cùng tên trên cùng một đỉnh núi nữa. Dự án này dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học Đại Thích Thanh Quyết cùng Ban quản lý khu di tích chùa Đồng với sự phát tâm của hàng ngàn người dân trong và ngoài nước. 
Nói đến chùa Đồng không thể bỏ qua được giai đoạn thi công xây dựng lên ngôi chùa như ngày hôm nay du khách thập phương có thể chiêm ngưỡng. Vì chùa tọa lạc trên vị trí cao và đường đi lên rất hiểm trở, gây rất nhiều khó khăn cho việc thi công. Các loại máy thi công đều không phát huy được tác dụng với địa hình này, nên việc đập đá, khoan lỗ chôn cột công nhân đều phải thực hiện bằng tay. Các loại nguyên vật liệu như gạch đá, xi măng, cát, sỏi, để xây dựng nhà ghi công đức, sân, am hóa sớ, … đều phải vận chuyển theo đường bộ. 
Kỳ công còn phải kể đến việc đúc đồng làm chùa. Chùa được gần 100 người thợ lành nghề được huy động từ làng nghề đúc đồng ở Ý Yên Nam Định,  tiến hành đúc 4000 chi tiết trong vòng 1 năm ròng rã tại ngay phía chân núi Yên Tử. Khi đúc các chi tiết xong, có những chi tiết phải dùng ròng rọc tự chế để vận chuyển lên trên đỉnh núi tiến hành ghép. Sở dĩ không thể dùng cáp treo vì những chi tiết đó quá nặng mà hệ thống cáp ngày đó không tải lên được. 

Chùa Đồng ngày nay
 
Chùa Đồng mới có diện tích 20m2, chiều cao 3.25m được tính từ nền chùa lên tới nóc. Toàn bộ công trình đúc đồng gồm có các chi tiết lắp ráp lên ngôi chùa, chuông, khánh … nặng chừng 70 tấn.  

Tại sao có tên chùa Đồng?.

Nhiều đời nay, người ta quên dần đi cái tên ban đầu của nó là Thiên Trúc tự – tức chùa cõi Phật. – Bởi ngôi chùa được làm hoàn toàn bằng đồng – một điều hết sức đặc biệt có một không hai trên thế giới – do vậy, dân gian quen gọi là “Chùa Đồng” và từ đó thành một cái tên phổ thông cho tới ngày nay.
Chùa Đồng có 4 pho tượng phật bằng đồng: 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm là Tổ Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông, nhị Tổ Pháp Loa Đồng Kiên Cương,  tam tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái . Tượng Phật được tọa trên đài sen tạo nên nét uy nghiêm, tỏa ra ánh sáng dẫn lối muôn dân đi về dòng chính thiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *