Miếu An Sơn
Miếu An Sơn là ngôi miếu thờ Bà duy nhất ở Côn Đảo, người dân trên đảo thường hay gọi là miếu bà Phi Yến. Miếu trực thuộc làng An Hải, cách trung tâm Côn Đảo 2.5km về hướng Đông Nam trên đường Hoàng Phi Yến, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Du khách có thể đến thăm bất kì thời điểm nào trong ngày, nhưng mát mẻ nhất vẫn là buổi sáng. Đến thăm quan Miếu Bà du khách sẽ không phải mất chi phí cho việc mua vé vì ở đây luôn luôn miễn phí. Vì là nơi thờ tự nên du khách đến đây cần ăn mặc lịch sự, kín đáo và không nên gây tiếng ồn trong không gian miếu.
Có rất nhiều ý kiến khác nhau về nhân vật được thờ trong ngôi miếu này. Nhưng đa số người đều tuyệt nhiên mặc định rằng ở đây là thờ nhân thần bà Phi Yến – thứ phi của vua Gia Long Nguyễn Ánh. Trên thực tế, nhiều ý kiến lại cho rằng “Bà” ở đây chính là Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc trong tín ngưỡng của người Chăm có ý nghĩa bảo hộ cuộc sống của cư dân vùng biển bình an hạnh phúc. Và cũng có một vài ý kiến khác cho rằng đây là đền thờ Thủy Long Thánh Phi – một nữ thần sông nước.
Theo những người dân ở đây cho biết, miếu An Sơn được xây dựng đầu tiên vào năm 1785 như trong truyện kể về bà Phi Yến. Sau đó, ngôi miếu nhỏ được xây dựng lại thời Mỹ – Ngụy năm 1958. Hằng năm, cứ đến ngày 18/10 âm lịch cư dân trên đảo lại tổ chức lễ giỗ long trọng để tưởng nhớ đến Bà.
Như lời kể của cư dân trên đảo thì Bà Phi Yến là vợ thứ của chúa Nguyễn Phúc Ánh có tên thật là Lê Thị Răm. Vào cuối thu năm 1783, sau khi thua trận Tây Sơn, Nguyễn Ánh đưa vợ, con trai và khoảng 100 gia đình thuộc hạ chạy ra Côn Đảo. Vì thất bại liên tục, nên Nguyễn Ánh có ý định đưa hoàng tử Cải tháp tùng cùng linh mục Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện. Bà Phi Yến không bằng lòng và có lời khuyên ngăn. Không ngờ những lời khuyên của bà Phi Yến bị nghi ngờ là có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn và biệt giam bà trong động đá ở hòn đảo vắng, nay gọi là hòn Bà.
Sau đó, nhận được tin quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, Nguyễn Ánh đã cùng cung quyến và đám người tùy tùng xuống thuyền bỏ chạy để lại bà Phi Yến trên đảo hoang. Hoàng tử Cải lúc bấy giờ chỉ mới 4 – 5 tuổi khóc đòi mẹ vì quá tức giận nên ông đã ném con của mình xuống biển. Xác của hoàng tử Cải sau đó trôi dạt vào biển Cỏ Ống và được dân làng chôn cất. Một thời gian sau thì bà Phi Yến cũng được giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đã đứng trước mộ con và khóc rất lâu, tình cảnh thật thương tâm.
Không dừng lại ở đó, người dân còn kể rằng, sau khi xây mồ cho hoàng tử Cải, bà Phi Yến vẫn ở vậy. Cho đến khi làng An Hải mở cuộc đàn chay rất lớn và ban hội tề làng An Hải đã cử một bô lão cùng 4 dân phu đến tận làng Cỏ Ống để thỉnh bà về. Họ bố trí cho bà nghỉ ngơi trong một gian phòng đặt biệt. Làng An Hải có một tên đồ tể tên là Biện Thi đã rung động trước nhan sắc tươi thắm của bà mà sinh lòng tà dục. Chờ lúc bà ngon giấc, hắn giả say rồi lén chui vào phòng bà. Khi hắn đụng đến cánh tay thì bà tỉnh giấc và truy hô cho dân làng bắt hắn. Cảm thấy tủi nhục dù tên đồ tể chỉ mới động đến cánh tay mình, bà Phi Yến đã tự chặt cánh tay mình rồi sau đó tự vẫn để vẹn toàn danh tiết. Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự chí hiếu của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng nên được người dân ở đây chăm chút nhan khói từng ngày.
Với lối kiến trúc của đền miếu Nam Bộ, miếu An Sơn được xây dựng theo lối kiến trúc dạng chữ nhất, xung quanh là tường rào. Tổng diện tích lên đến 4200m2 , cổng bố trí quay về hướng Nam và được xây bằng xi măng sơn vàng với dòng chữ đỏ “An Sơn Miếu”. Cho đến nay, trải qua nhiều lần tu sửa nên ngôi miếu đã mang đậm chất thuần Việt không còn nét xây dựng xưa thời Mỹ – Ngụy.
Đi qua cổng miếu là một khoảng sân được lát đá rộng khoảng 2m, giữa sân đặt một bán thờ thiên, trước bàn thờ là một ao tròn xây bằng xi măng, bên trong là hòn non bộ, biểu tượng hang đá nơi bà Phi Yến bị Nguyễn Ánh giam cầm. Sân miếu được trồng nhiều cảnh và hoa để tạo cảnh quan cho đường dẫn vào miếu, hai bên lối đi là ghế đá cho du khách thập phương nghỉ chân.
Như mọi thiết kế chùa, đền, miếu khác, An Sơn miếu cũng chọn cửa Tam quan xây vòm cuốn quay về hướng Đông. Bên trên cửa gắn một bảng gỗ nên vàng chạm nổi chữ Hán là An Sơn Miếu. Phía sau cửa Tam quan là chính diện, tiếp sau chính diện là nhà nghỉ, nhà bếp và kho. Bên phải chính diện là nhà ăn. Bên trong chính diện đặt 4 bàn thờ, ngoài cùng thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Lui vào trong là bàn thờ bà Hoàng Phi Yến.
Trải qua gần 60 năm tồn tại, ngôi miếu được tu sửa nhiều lần, nhưng đối với người dân nơi đây là một giá trị văn hóa tinh thần được truyền thừa từ nhiều thế hệ. Là một biểu tượng cho lòng tin tín ngưỡng của con người cầu mong ấm no, hạnh phúc.