Myanmar – Ngôi chùa thiêng Shwedagon

Shwedagon – Chùa của báu vật – Tháp canh trời Yangon.

Chùa Shwedagon có tên đầy đủ chính thức là Shwedagon Zedi Daw. Còn được gọi là chùa Dagon Lớn hay Chùa Vàng, Chùa có tháp cao 99m tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara về phía tây của hồ Kandawgyi. Từ đây du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Yangon, còn nếu đứng ở thành phố nhìn lên chùa như công trình của cõi Phật với màu vàng rực rỡ trên lưng trời Yangon.

Đối với tín đồ Phật giáo, đây là ngôi chùa được cho là thiêng nhất Myanmar (Miến điện) bởi tại nơi đây đang lưu giữ 4 báu vật thiêng gồm:

  • Cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn.
  • Cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm.
  • Mảnh áo Cà Sa của Phật Ca Diếp
  • 8 sợi tóc của Phật Thích Ca Mâu Ni

Shwedagon – Chùa của truyền thuyết và lịch sử

Các nhà sử học và các nhà khảo cổ cho rằng ngôi chùa được xây dựng trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ 6 tới thế kỷ thứ 10 bởi người Môn. Tuy nhiên, theo truyền thuyết, chùa Shwedagon ban đầu chưa có tháp nhọn, được xây dựng cách đây hơn 2.600 năm, là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất trên thế giới và ra đời từ khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn sống – Siddhārtha Gautama hay Tất-đạt-đa Cồ-đàm (phiên âm Hán Việt từ tiếng Phạn) cũng được Phật tử gọi là Phật Thích-ca-mâu-ni (Shakyamuni Buddha) hay gọi đơn giản là Đức Phật, là một người giác ngộ (trong Phật giáo) và là một đạo sư có thật từng sống ở Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN. Theo tương truyền và sử liệu, ông là một vương tử tộc Thích-ca ở Ca-tỳ-la-vệ, đã từ bỏ đời sống phú quý để tìm đạo. Sau 6 năm cầu đạo, ông đạt được giác ngộ tâm linh và dành 49 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ. Siddhārtha đã đề xướng con đường Trung đạo (Majjhimāpaṭipadā),vừa từ bỏ đời sống xa hoa và cũng vừa từ bỏ lối tu ép xác khổ hạnh thịnh hành trong các học thuyết tôn giáo Ấn Độ thời đó. Những lời giáo pháp trong thời gian ông đi truyền bá đã đặt nền tảng cho sự hình thành của Phật giáo.


Chùa Shwedagon 1825                                                            Chùa Shwedagon 1890

Siddhārtha Gautama được các Phật tử coi là một bậc đạo sư đã giác ngộ viên mãn và tự giải thoát hoàn toàn khỏi quy luật sinh tử luân hồi, hiểu rõ được sự vận hành của thế giới xung quanh, đồng thời truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác để họ có thể tự chấm dứt khổ đau bản thân, nhận sự hạnh phúc tối thượng. Chi tiết về cuộc đời, những lời dạy và các giới luật của ông được những học trò ghi nhớ và tổng hợp lại sau khi Siddhārtha Gautama qua đời. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của ông được lưu giữ qua truyền miệng và được viết thành sách 400 năm sau đó).

Theo truyền thuyết, Taphussa và Bhallika – hai anh em lái buôn trên đường mang hàng đi Ấn độ thì gặp Đức Phật Gautama lúc cuối đời ở phía bắc đồi Singuttara và nhận được tám sợi tóc của đức Phật. Hai anh em trở lại lại Miến Điện, với sự trợ giúp của nhà vua địa phương là Vua Okkalapa. Theo chỉ dẫn của Đức Phật nhà vua với đoàn tùy tùng cùng 2 anh em Taphussa và Bhallika , đã đến chùa Shwedagon trên đồi Singuttara, nơi lưu giữ những thánh tích Phật giáo tìm được chiếc quan tài bằng vàng. Khi nhà vua mở chiếc quan tài bằng vàng, rồi bỏ 8 sợi tóc Phật do 2 anh em Taphussa và Bhallika đã mang về vào trong. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Tất cả mọi người đều bàng hoàng khi thấy một luồng sáng phát ra, kéo dài mãi nối tới 9 tầng mây. Lạ lùng thay vạn vật biến chuyển: người mù nhìn thấy mọi thứ, người điếc nghe được, người câm nói cười thành tiếng rõ ràng. Núi Meru rung lắc, sấm sét, cuồng phong, châu báu từ trên trời rơi xuống ngập đến ngang đầu gối họ. Cây cối xung quanh mặc dù không phải mùa cũng nở hoa kết trái…

Nhà Vua đã cho xây ngọn tháp cao hơn 8m  dát vàng xung quanh (người Miến điện gọi là Stupa) để lưu giữ xá lợi Tóc Phật, và cũng để tượng trưng cho luồng ánh sáng mà Vua tin là của Đức Phật tạo ra khi Ngài nhập Niết bàn.

Theo năm tháng, tháp (Stupa) bị hư hại suốt một thời gian dài và sau đó được Vua Binnya U (1323-1384) sửa lại và nâng lên hơn 18 mét. Một thế kỷ sau, Hoàng hậu Binnya Thau (1453–1472) cho nâng tiếp tháp lên cao 40 mét. Bà cho xây bậc thang từ chân đồi lên tới chùa tại mỗi lối đi. Lát đá trên sân thượng của Chùa bằng đá cẩm thạch. Dùng nô lệ túc trực thường xuyên để dọn dẹp, duy tu bảo dưỡng chu đáo. Năm 1472, Hoàng Hậu Binnaa Thau đã trao ngôi vị cho người con rễ của mình là Dhammazedi, rồi về nghỉ ngơi tại Dagon (nay là thị trấn Dagon). Trong lần đau ốm cuối cùng của mình, bà đã cho đặt giường của mình để có thể nhìn vào mái vòm mạ vàng của tháp đọc kinh niệm Phật để thanh thản ra đi.

Vào đầu thế kỷ 16, chùa Shwedagon đã trở thành địa điểm hành hương Phật giáo nổi tiếng nhất ở Miến Điện

Năm 1608, một toán quân Bồ Đào Nha do Philip de Brito e Nicote cầm đầu đã cướp phá chùa. Chúng cướp đi quả chuông lớn Dhammazedi mà Vua Dhammazedi đã dâng cho chùa. Philip de Brito e Nicote định nấu chảy quả chuông đó để đúc đại bác. Nhưng khi chở qua sông Bago, chuông bị chìm và đến nay vẫn chưa tìm được.

Một loạt các trận động đất trong những thế kỷ tiếp theo gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Đặc biệt, trận động đất mạnh tồi tệ nhất vào năm 1768 dẫn đến đỉnh tháp bị gãy đổ. Vua Hsinbyushin nhà Konbaung lúc đó đã cho sửa lại ngôi chùa và nâng tháp lên độ cao như hiện nay là 99 m.


Chùa Shwedagon ngày nay

Năm 1779, Vua Singu Min cho đúc và dâng nhà chùa một quả chuông, gọi là chuông Maha Gandha – “âm thanh tuyệt diệu” – nhưng dân gian hay gọi là chuông Singu Min.

Tháng 5 năm 1824, quân Anh đổ bộ vào xâm lược Myanma (lần thứ nhất). Chúng lập tức chiếm đóng ngôi chùa và biến đây thành một pháo đài tới mãi hai năm sau mới rút đi. Quân Anh lấy quả chuông Singu Min định đem tới Calcuta, nhưng nó cũng bị chìm xuống sông như chuông Dhammazedi. Quân Anh cố tìm mà không thấy. Người Myanma liền đề nghị để họ giúp tìm với điều kiện họ được đem quả chuông trở về chùa. Tưởng người Myanma không vớt nổi, quân Anh đồng ý. Các thợ lặn Myanma đã lặn xuống và buộc quanh quả chuông hàng trăm cây tre, nhờ đó quả chuông được kéo nổi lên. Không còn cách nào khác, quân Anh buộc phải cho đưa quả chuông về vị trí cũ.

Năm 1827, trung tá J.E. Alexander cho đúc và tặng chùa một quả chuông tương tự chuông Singu Min. Hiện chuông này treo trong lầu chuông ở góc tây bắc sân chùa.

Năm 1841, Vua Tharrawaddy sai đúc một quả chuông nặng 42 tấn bằng đồng và dát vàng (khoảng 20 kg vàng),đặt tên là chuông Maha Tissada (“ba âm thanh”). Chuông này treo trong lầu chuông ở phía đông bắc tòa tháp.

Năm 1871, Vua Mindon Min cho dựng một cái lọng ở trên tháp.

Trong cuộc xâm lược Myanmar của đế quốc Anh năm 1852 (lần thứ 2),quân Anh lại chiếm đóng chùa và lần chiếm đóng này kéo dài tới 77 năm (đến tận năm 1929). Mặc dù chùa bị chiếm đóng, người dân Myanmar và tín đồ Phật giáo vẫn được vào chùa hành lễ.

Trận động đất vào năm 1970 làm cái cán lọng rời ra, khiến chính phủ phải tiến hành sửa chữa.

Tháng 1 năm 1946, Aung San đã diễn thuyết trong một cuộc mít tinh lớn ở quanh tháp để kêu gọi chính quyền thực dân Anh trả độc lập cho Myanma nếu không sẽ tổng bãi công và nổi dậy. Bốn mươi hai năm sau, ngày 26 tháng 8 năm 1988, con gái ông – Aung San Suu Kyi – đã diễn thuyết trong một cuộc mít tinh lớn khác đông tới 500 nghìn người kêu gọi dân chủ cho Myanma. Tháng 9 năm 2007, khoảng 20 nghìn sư sãi đã diễu hành xuất phát từ chùa Shwedagon để phản đối chế độ chính trị của Myanma.

Shwedagon – Chùa của Vàng – Đá quý và Kim cương

Chùa Shwedagon được xây dựng trên đỉnh đồi Singuttara. Từ chân đồi, có 4 lối dẫn lên được xây thành bậc thang rộng rãi. Ở cuối mỗi lối, phía trên sân chùa có 1 cặp linh vật gọi là chinthe – Giống như cặp Nghê ở Việt Nam – canh gác. Ở hai lối phía Đông và phía Nam là 2 lối chính, được bày bán nhiều đồ thờ cúng tế lễ, các dụng cụ phục vụ tu hành. Tại bậc thang cuối lối lên phía Nam còn có bức chân dung phác họa hiện thân thứ 2 của Đức Phật tức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni.

Toàn bộ phần đế tháp xây bằng gạch được dát bằng những lá vàng 24K. Trên đế tháp là phần sân và hiên chùa. Từ khu vực này trở lên tháp, chỉ có các vị sư sãi, tăng ni và nam giới mới được phép đi vào. Tất cả phụ nữa đều phải dừng bước và cầu nguyện ở bên dưới.

Đặt trên đế tháp thu vào giữa là một kiến trúc hình chuông. Trên phần hình chuông được gọi là phần mũ tháp dáng tròn thu nhỏ dần về trên. Trên phần mũ tháp là phần giả như bông sen úp xuống. Bên trên núm cuống bông sen là một cột trụ hình búp hoa chuối chĩa thẳng lên trời. Trên cái đỉnh nhọn ấy là hình một cái vương miện. Hình vương miện người Myanmả gọi là hti (lọng). Trên vương miện được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc. Trên cùng, điểm cao nhất của Vương miện được đính viên kim cương nặng 15g (76 carats).


Thiết kế của ngôi chùa                                                                           Đôi linh vật canh cửa nhà Phật

Vàng được được những bàn tay thợ bạc khéo léo giát lên quanh tháp. Những tín đồ sùng bái khi về lễ bái đều mua những tấm vàng dát mỏng dâng nhà chùa giát lên tháp. Công việc dâng vàng giát này bắt đầu có từ thời Hoàng hậu Shin Sawbu và kéo dài cho tới ngày nay. Việc làm này hoàn là phát tâm tự nguyện của những tín đồ Phật giáo gần xa.

Nghi lễ

Như đã đề cập đến ở phần trên, từ thế kỷ 16 Chùa đã trở thành nơi hành hương của các tín đồ Phật giáo Myanma. Khi vào chùa phải cởi giày dép. Trong thời kỳ còn là thuộc địa của Anh, theo quy định của chính phủ thực dân lúc bấy giờ, người Anh và các quan chức trong chính phủ đô hộ không phải cởi giày dép khi vào chùa.

Trong khi làm lễ những tín đồ Phật giáo thường đi vòng quanh tháp theo chiều kim đồng hồ để tụng kinh. Bắt đầu từ cửa phía Nam nơi có tượng phật Kakusandha – vị Phật đầu tiên của kiếp hiện tại – đi tới đền thờ hướng Nam, thờ tượng Phật thứ hai, Koṇāgamana. Tiếp đến, tại giáo đường hướng Tây, là bức tượng của đức Phật thứ ba, Kassapa . Cuối cùng, tại đền thờ phía bắc, là đền của đức Phật thứ tư, Gautama.

Trong chùa có 7 bồn nước tương ứng với 7 hành tinh và với 7 ngày trong tuần. Đấy là nơi những người có sinh nhật trùng vào ngày đó tới tưới nước tắm cho tượng Phật

Người hành hương, trên đường lên bậc thang của chùa, mua hoa, nến, cờ màu và dây leo. Những lễ vật này sau khi dâng cúng sẽ được để lại tại tháp như một hành động ban lộc – đó là một khía cạnh quan trọng của giáo huấn Phật giáo.

Tại đây, có các hộp quyên góp đặt ở những nơi khác nhau xung quanh chùa để nhận những đồng tiền tự nguyện của người hành hương tặng cho mục đích cầu may.

Tính đến năm 2017, vé cho người nước ngoài vào tham quan là 8.000 Kyats (khoảng 6 USD).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *