Lăng Mạc Cửu – Hà Tiên

Lăng Mạc Cửu

Khu Di tích lăng Mạc Cửu nằm dưới chân núi Bình San trên đường Mạc Cửu, thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên, cách thành phố Rạch Giá khoảng 92km về phía Tây Bắc. Lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc, khởi đầu là Mạc Cửu, người có công khai phá mảnh đất Hà Tiên hơn 300 năm trước. Lăng và đền thờ Mạc Cửu được xây dựng từ năm 1735 đến năm 1739 có mặt tiền quay về hướng Đông, nơi có núi Tô Châu với dòng thủy lưu Đông Hồ, lưng tựa vào núi hình vòng cung. Nơi đây còn được mọi người gọi là danh thắng đẹp nhất đất Hà Tiên.

Khu di tích thắng cảnh núi Bình San, còn gọi là núi Lăng, vì trên núi có lăng mộ Mạc Cửu, các vị phu nhân, con cháu và tướng lĩnh họ Mạc. Mạc Cửu là người Quảng Đông, Trung Quốc nhưng lại không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước để ra đi buôn bán thương mại ở một số nước Đông Nam Á. Đến năm 1680, khi đến Hà Tiên, ông đã ở lại đây để xây dựng và phát triển vùng đất này. Đến tháng 8 năm 1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được chúa Nguyễn Phúc Chu chấp thuận và phong làm Tổng trấn Hà Tiên. Mặc dù dâng Hà Tiên cho Chúa Nguyễn nhưng Chúa Nguyễn vẫn cho Mạc Cửu làm chủ vùng đất này. Duy trì tuyền thống cha truyền con nối như một tiểu vương và 7 đời dòng họ Mạc đã đem hết công sức của mình để biến Hà Tiên thành một đầu mối giao thương của nước Đại Việt xưa với các nước trong vùng.

Từ chợ Hà Tiên đi theo đường đến ao sen “Bảo Ngọc Liên Trì” khoảng 1km là đến chân núi Bình San, nơi có đền họ Mạc. Theo sử liệu ghi chép lại thì buổi đầu đến chỉ được dựng bằng gỗ lợp lá, do Mạc Công Du – cháu 4 đời của Mạc Cửu, thừa lệnh vưa Gia Long lập khoảng các năm 1816 – 1818, khi ông giữ chức Hiệp trấn và Trấn thủ Hà Tiên. Năm 1833, Mạc Công Du đi theo Lê Văn Khôi chống lại vua  Minh Mạng. Khi cuộc nổi dậy thất bại, Công Du cùng nhiều con cháu họ Mạc đều bị tội, ngôi đền cũng dần đổ nát.

Mãi đến năm 1936, Đại học sĩ Trương Đăng Quế đi kinh lý, tổ chức lại việc cai trị ở các tỉnh mới trải qua tai họa chiến tranh, lúc về có tấu trình lên vua Thiệu Trị về công lao mở mang đất nước của Mạc Cửu và đề nghị vua nên trọng dụng lại con cháu họ Mạc. Nhưng mãi đến năm 1845, đến khi Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn tấu trình lên vua Thiệu Trị thì mới có lệnh tìm lại con cháu họ Mạc, người nào có tài thì tâu lên vua và được vua ban lệnh xây dựng lại đền thờ mới năm 1846. Đền được xây lại một cách kiên cố hơn, đẹp đẽ, có mái lợp ngói, nhưng ở một vị trí khác là phía Tây chân núi Bình San, là vị trí lăng bây giờ và có tên là Trung Nghĩa Từ. Năm 1897, chí sĩ yêu nước Nguyễn Thần Hiến vận động nhân dân đóng góp tiền công và trùng tu lại đền và hoàn thành vào năm 1900. Sau lần trùng tu đó cho đến nay, đền cũng còn nhiều lần được tu bổ. Phía trước đền thờ là hai ao sen, có người kể lại rằng, hai ao sen này là do Mạc Thiên Tứ sai người đào để chứa nước ngọt cho  nhân dân nơi đây dùng.

Từ cổng đi vào là một con đường ngắn, hai bên trồng rất nhiều cây xanh, dẫn đến một tiểu đình rộng. Qua thêm một cổng nữa, là điện thờ chính và tả vu, hữu vu. Ngoài những hoành phi, liễn đối và tranh vẽ, tại điện thờ chính còn có một biển thờ đề bốn chữ “Khai Trân Trụ Quốc” và bức hoành “Nghị Võ Công”. Là lời tuyên dương của nhà Nguyễn trước sự nghiệp mở mang bờ cõi của dòng họ Mạc. Đặc biệt hơn, trên vách và cột điện thờ vẫn còn bài văn kêu gọi quyên tiền cất miếu cùng hai bài thi ca ngợi công đức Mạc Thiên Tứ của chí sĩ Nguyễn Thần Hiến.

Khu mộ có lăng tẩm cha con họ mạc và các vị phu nhân, tướng lĩnh, tổng cộng có 45 ngôi mộ, xung quanh có những bức tường kiên cố. Ngôi mộ lớn nhất là của Mạc Cửu được xây theo lối kiến trúc Trung Hoa có hình bán nguyệt được khoét sâu vào triền núi, chỗ chôn hài cốt đúc vôi và nước ô dước ra dáng con trâu đang nằm, hai bên tả và hữu là hai vị tướng sĩ oai phong cầm gươm đứng hầu, xung quanh mộ là hai con rồng quấn vào nhau chạm trổ tinh vi. Các bậc thềm đều cẩn đá xanh, có tảng dài đến 3m, do các nhà buôn Trung Hoa thời bấy giờ chở từ Quảng Tây sang tặng. Khu mộ rất kiên cố nên dù đã trải qua 3 thế kỷ nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc ban đầu, duy chỉ có hai bức tượng bằng đá xanh đã bị trộm và được thay bằng xi măng.

Đứng từ mộ của Mạc Cửu nhìn ra, du khách sẽ thấy được một bức tranh sơn thủy hữu tình với trước mặt là núi Tô Châu và vũng Đông Hồ, bên trái là núi Bát Giác, phía phải là núi Kim Dự. Theo các lối mòn và những bậc rêu phong, du khách sẽ đến được mộ phần của gia đình và tướng tá của nhà họ Mạc. Phía dưới lăng Mạc Cửu là mộ bà Nguyễn Thị Hiếu Túc là vợ của Mạc Thiên Từ nằm phía trái, tiếp đến là mộ Mạc Tử Hoàng bên phải rồi đến mộ Mạc Thiên Tứ cũng được bày trí như mộ cha nhưng khiêm nhường hơn.

Bên trong chính điện, bàn thờ ở giữa thờ ngai vị của ông Mạc Cửu và các hậu duệ của ông do những người dòng họ mạc được coi như những tiểu vương tại Hà Tiên. Phía phải là bàn thờ các quan văn, quan võ dưới thời họ Mạc, bên trái là bàn thờ các phu nhân của dòng họ. Trong đền hiện vẫn còn lưu giữ bài văn tế “Mạc Lệnh Công Thánh đàn tế văn” do Tri phủ An Biên Nguyễn Hữu Lập soạn năm 1847, bản nhật lịnh của Long Hổ tướng quân Trần Hầu.

Phía trên đỉnh núi Bình San là đàn xã tắc, nơi để hành lễ cúng tế trời đất của hà Tiên xưa và nay. Nền của đàn xã tắc có hình bát quái lớn màu đỏ, ở giữa màu đen, tâm vàng, trên đặt 1 lư hương lớn bằng đồng. Mỗi năm cứ vào ngày 15 tháng giêng âm lịch các đàn cúng sẽ được lập nhưng giờ cúng mỗi năm mỗi khác nhau.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *