Miếu Bà Chúa Xứ
Miếu Bà Chúa Xứ không chỉ là điểm đến tâm linh nổi tiếng mà còn là một di tích lịch sử, kiến trúc quan trọng của vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang. Miếu Bà tọa lạc dưới chân núi Sam, trước đây thuộc thị xã Vĩnh Tế nay thuộc phường Núi Sam, Thành phố Châu Đốc. Đây không chỉ là công trình kiến trúc đẹp và tôn nghiêm mà Miếu bà Chúa Xứ còn là một di tích nổi tiếng không chỉ ở Tây Nam Bộ và khắp vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long mà còn cả người Việt ở nước ngoài cũng biết đến.
Miếu Bà Chúa Xứ có nguồn gốc cách đây 200 năm và đến nay vẫn là một điều bí ẩn. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì miếu Bà được xây dựng từ khoảng đầu thế kỉ XVIII khi ông Thoại Ngọc hầu đến trấn giữ vùng đất Tây Nam. Ông được triều đình giao trọng trách đào kênh Vĩnh Tế, con kênh có độ dài 100km, rộng 50m, nối Châu Đốc với Hà Tiên. Có thể nói đây là một công trình vĩ đại nhằm mục đích thoát lũ, xả phèn cho ĐBSCL, rút ngắn con đường giao thương đường thủy vùng phía Tây. Tuy nhiên, khi tiến hàng thì liên tục gặp trục trặc, nhiều người chết do tai nạn, bệnh tật hoặc bị thú dữ tấn công.
Thấy tình hình không mấy khả quan, vợ của ông Thoại Ngọc Hầu là bà Chậu Thị Tế đã nghe lời dân làng đến cùng bái tượng bà. Và quả nhiên ngay sau đó việc xây dựng diễn ra rất suông sẻ. Không chỉ thế, bà còn đến cầu cho ông Thoại Ngọc Hầu đánh thắng giặc ngoại xâm bảo vệ bình yên cho nhân dân. Sau đó, để tạ ơn, bà cho xây dựng lại ngôi miếu to và khang trang hơn. Nếu như đúng như trên thì Miếu Bà được xây dưới thời Minh Mạng.
Khoảng năm 1824, miếu được làm bằng tre lá tạm bợ chủ yếu là gỗ. Năm 1870, miếu được xây lại bằng gạch hồ ô dước, mái lợp ngói âm dương. Gần 100 năm sau đó, năm 1962 khi miếu bị xuống cấp trầm trọng nên được người dân sửa lại khang trang hơn và bắt đầu thu hút được nhiều người đến viếng. Ba năm sau, nhờ sự đóng góp của các mạnh thường quân, ngôi miếu được xây rộng ra có thêm nhà khách và hàng rào. Năm 1972 ngôi miếu được phá xây lại trừ tấm vách đá sau lưng Bà. Lần sửa chữa này do ý kiến của ông Nguyễn Văn Ứng, hội trưởng Hội cứu tế đề nghị và được tập thể Hội tán thành. Công trình khởi công tu sửa lần 2 đến tận năm 1976 thì miếu mới thật sự được xây dựng xong.
Miếu Bà Chúa Xứ có kiến trúc dạng chữ “quốc”, hình khối tháp dạng hoa sen nở, mái tam cấp ba lầu, xây bằng gạch có 4 mái hình vuông, nóc lợp bằng ngói ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền đang lướt sóng. Nhà để tượng cũng có mái vuông, ngay chính điện lát bằng gạch đá xanh, theo như lời ông hội trưởng thì vách 2 bên được xây bằng đá cẩm thạch nhập ở Ý, Nhật, Đài Loan do kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng và Nguyễn Bá Lăng thiết kế xây dựng.
Miếu Bà Chúa Xứ là một ngôi miếu cổ, thờ một tượng hình bằng đá. Theo lời kể của các ông thì hình tượng là một phụ nữ dáng ngồi. Dáng uy nghi, đội mũ, bị gãy một bên tay trái, bên trong mặc xà rông, bên ngoài mặc áo bào thêu rồng phượng. Mặt tượng được sơn màu nâu cánh dán, mắt đen. Hai bên là tượng cô bằng đá (bên phải),thờ cậu (bên trái).
Còn theo như nhà khảo cổ học người Pháp Malleret đến nghiên cứu vào năm 1941, thì tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần),tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao, được tạc cuối thế kỷ VI và rất có thể đây là một trong số hiện vật cổ của nền văn hóa Óc Eo.
Sau này, nhà văn Sơn Nam cũng đã chép rằng: Tượng của Bà là pho tượng Phật đàn ông của người Khmer, bị bỏ quên lâu đời trên đỉnh núi Sam. Người Việt đưa tượng vào miễu, điểm tô lại với nước sơn, trở thành đàn bà mặc áo lụa, đeo dây chuyền. Và từ đó “Bà Chúa Xứ” là vị thần có quyền thế lớn ở khu vực ấy, xứ ấy…
Hàng năm vào các ngày 25, 26, 27 tháng 4 âm lịch, nhân dân các tỉnh phía Nam cùng nhân dân địa phương nô nức đến lễ ở miếu Bà. Trong ngày lễ còn có múa bóng, hát bội… Đêm ngày 23, mọi người đã tập trung về chùa để xem lễ tắm Bà. Tượng Bà được mang xuống, cởi áo ra, lấy nước mưa pha với nước hoa để tắm phong tục này đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Để có một chuyến du lịch vui vẻ và an toàn, du khách nên lưu ý một số điều sau:
Bởi vì Miếu Bà Chúa Xứ là một nơi linh thiêng và rất nổi tiếng nên lượng người đổ về đây viếng Bà hay du lịch rất đông đúc. Nên để phục vụ khách hành hương, khác du lịch xung quanh chùa có rất nhiều dịch vụ nhue bán đồ cúng, cho thuê heo quay, thả chim phóng sinh, xem quẻ đầu năm… vì vậy, du khách muốn mua sắm các đồ vật lễ Bà nên hỏi giá kỹ trước khi mua. Dọc đường đi sẽ có các trạm dừng, du khách có thể mua hoa, trái cây ở đây hoặc mua tại các điểm gần bến phà sẽ có giá rẻ hơn những điểm bán ở gần chùa. Nếu không mua được trên đường thì nên vào các cửa hàng lớn xung quanh chùa và hỏi kĩ giá trước khi mua. Tuyệt đối không mua nhang đèn từ những người bán lẻ đi theo mời mọc. Không chỉ vậy, sẽ có rất nhiều người chèo kéo du khách mua vé số, xin tiền hay gửi lộc,..
Xung quanh chùa có rất nhiều điểm bán hoặc cho thuê heo quay. Giá của những con heo quay ở nơi này sẽ đắt hơn khoảng 50.000đ/kg, chưa kể heo có thể bị để lâu hoặc có khi là heo tái sử dụng vì trước đó đã có người mang vào lễ Bà. Nếu du khách không thể mang heo quay từ nhà đi thì tốt nhất là lễ Bà bằng trái cây hoặc bánh mứt, không nên mua hoặc thuê heo quay tại chùa.
Khi đến chùa, sau khi mua trái cây, nhang đèn cúng, du khách nên đi thẳng vào chùa để thắp hương, không nên nhận bất cứ lộc nào của người khác dúi vào tay, vì sẽ phải trả rất nhiều tiền. Sau khi thắp hương, du khách cũng không nên thả chim phóng sinh vì cho dù đã thỏa thuận trước giá cả, người bán thả chim ra, du khách vẫn sẽ bị đếm số lượng chim phóng sinh và tính tiền tăng đến chóng mặt. Đã có nhiều trường hợp xảy ra cự cãi, xô xát giữa khách hành hương và người bán.
Ở miếu bà lúc nào cũng đông khách hành hương nên khi vào khu vực chính điện của miếu, du khách phải hết sức cẩn thận với ví tiền của mình. Khi đi chùa, không nên mang theo nhiều tiền mặt, nếu để trong túi xách thì phải cài chặt và quay túi xách ra phía trước tránh tình trạng mất cắp xảy ra.