Chùa Tây An ở Châu Đốc – An Giang

Chùa Tây An

Chùa Tây An còn được gọi là Tây An Cổ Tự – là một ngôi chùa Phật giáo, thuộc phái Bắc Tông tọa lạc tại ngã ba, dưới chân núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đặc biệt hơn, chùa còn là biểu tượng lịch sử cho sự giao lưu kiến trúc giữa Việt Nam và Ấn Độ. Cách thị xã khoảng 5km, nằm trong quần thể di tích nổi tiếng ở An Giang là chùa Tây An, chùa Phước Điền (chùa Hang),lăng Thoại Ngọc Hầu và miếu Bà Chúa Xứ. Đã được Bộ Văn hóa xếp hàng là di tích “kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” ngày 10 tháng 07 năm 1980 và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đây là “ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn Độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên tại Việt Nam”.

Nguồn: Internet

Có nhiều ý kiến khác nhau để giải thích về tên “Tây An”. Có ý kiến cho rằng Tây An là ngôi chùa ở phía Tây thành An Giang. Một số khác cho rằng Tây An là thể hiện các yếu tố tạo nên chùa như vật liệu từ Trấn tây, Tây Thành và xây dựng trên đất An Giang. Vài ý kiến cho rằng Tây An là cầu mong bình an cho miền Tây Nam đất nước, với ước muốn vùng đất mới được khai phá từ nay sẽ an cư lạc nghiệp lâu dài.

 

Theo một số thông tin cho rằng chùa Tây An do một vị quan triều Nguyễn đời Minh Mạng có tên là Nguyễn Nhật An xây dựng năm 1820. Khi được triều đình phái đi Cao Miên, ông đã khấn rằng nếu chuyến đi thành công, khi về sẽ dựng một ngôi chùa thờ Phật tại chân núi Sam. Sau khi xây dựng chùa xong, ông thỉnh vị Hòa thượng đầu tiên có pháp hiệu là Hải Tịnh đến trụ trì. Đến năm 1847 chùa thỉnh thêm một vị Hòa thượng nữa có pháp danh là Pháp Tang đến trụ trì. Ông là một chí sĩ yêu nước, mặc dù mất sớm nhưng ông đã làm được rất nhiều việc như thành lập nhiều trại ruộng quanh vùng Bảy Núi để khẩn hoang, sản xuất và trở thành căn cứ chống Pháp. Ông có rất nhiều đệ tử nổi tiếng như Trần Văn Thành, Tăng Chủ, Đình Tây, Đạo Xuyển,… đó là những người từng một thời làm giặc Pháp phải khiếp sợ vùng Bảy Núi. Ngoài việc tu hành, ông còn có tài làm thuốc trị bệnh cho nhân dân nên sau khi ông mất, người dân ở đây suy tôn Hòa thượng với danh hiệu là Phật thầy Tây An.

Nguồn: Internet

Chùa Tây An kể từ thời Phật thầy Pháp Tang trụ trì đến nay đã trải qua 7 đời truyền thừa và qua nhiều lần tu sửa. Kiến trúc ngày nay của chùa được tôn tạo dưới thời Hòa Thượng Bửu Thọ vào năm 1958. Người đã cho xây dựng thêm 3 ngôi lầu cổ, mặt tiền chùa và sửa lại chánh điện, tạo thêm nét kiến trúc phương Đông kết hợp với kiến trúc Ấn Độ. Từ năm 1993 đến nay, Thượng tọa trụ trì Thích Huệ Kỉnh đã tổ chức trùng tu và xây mới nhiều công trình để phục vụ du khách thập phương đến hành hương vào mỗi năm.

Đến với du lịch Châu Đốc du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa Tây An được xây dựng trên nền cao, thoáng rộng trong khuôn viên có diện tích 15.000m2 . Phía sau là Núi Sam như bức bình phong làm nổi bật ngôi chùa với một màu xanh thẫm. Điểm đặc biệt nhất và ấn tượng nhất của ngôi chùa là mặt chính với ba cổ lầu nóc tròn hình củ hành với màu sắc sặc sỡ nhưng lại mang một nét hài hòa lạ lẫm.

Nguồn: Internet

Chánh điện là ngôi chùa chính cao 18m, hai bên là lầu chiêng và lầu trống. Chánh điện thờ Phật theo dòng Thiền Lâm Tế, ngoài thờ tượng Phật Thích Ca rất lớn ở giữa và các tượng khác như Phật Di Đà, Quan Âm, Tam Thế Phật, Đại Thế Chí, cùng các vị Bồ Tát khác. Phía trước và hai bên là các vị La Hán, Bát Bộ, Kim Cang và Tam Hoàng Ngũ Đế,… Trước chùa có 3 vọng cửa: cửa giữa tam quan thờ tượng Phật Quan Âm, hai cửa hai bên có hai bảng đề “Tây An cổ tự”, bên trong tam quan là sân chùa có một cột cờ cao 16m.

Nguồn: Internet

Dưới bật thang chùa có đúc bạch tượng và hắc tượng, trên vai là vị thần tiên ngồi trên mặt trăng lươi liềm được đắp nổi. Phía hai bên là hai hành lang, phân biệt cho các tín đồ nam nữ.

Nguồn: Internet

Bước lên bậc thềm du khách sẽ bắt gặp ngay tượng mẹ bồng con cao 16m nhắc nhớ về Quan Âm Thị Kính. Trong chùa có 2 khu Đông Lang và Tây Lang. Đông Lang là chùa Địa Tạng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát theo kinh Địa Tạng, Tây Lang là nhà khối rộng đặt tượng Quan Âm.

Nguồn: Internet

Chùa theo phái Đại thừa, có tới 11.270 tượng lớn nhỏ đặt khắp nơi trong chùa. Đa số các tượng này đều được làm bằng danh mộc, chạm trổ công phu và mỹ thuật, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Việt Nam vào TK XIX. Bên cạnh đó, chùa còn có nhiều hoành phi và câu đối có màu sắc rực rỡ.

Nguồn: Internet

Nếu du khách không muốn thăm viếng chùa Tây An vào ban ngày vì ngại nắng và khách hành hương đông đúc thì cũng có thể đến tham quan và lễ  phật vào buổi tối. Với lối kiến trúc đặt biệt hơn những ngôi chùa khác nên về nhà chùa có cho lắp những cái đèn màu vàng để chiếu sáng làm cho ngôi chùa trở nên uy nghi, trán lệ như những tòa lâu đài lộng lẫy trong màn đêm.

Tây An Cổ Tự chính là một trong những điểm du lịch Châu Đốc nổi tiếng mà bất cứ ai đến Châu Đốc đều đã nghe nói đến. Du khách đến với chùa Tây An vừa có thể lễ phật vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ tráng lệ của một ngôi chùa hàng trăm năm tuổi. Du khách sẽ cảm thấy sự choáng ngợp bởi những hoa văn, chi tiết và đường nét của nhiều lối kiến trúc đan xen nhau một cách hợp lí mang lại cho nơi đây một nét độc đáo riêng và đặc trưng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *